Không phải thầy nào đứng lớp cũng vì học trò và vì niềm say mê chia sẻ.
Dẫu biết, có thu nhập để duy trì đời sống không bao giờ là đáng trách. Nhưng không phải vì thế mà đánh đổi mối quan hệ (lâu dài) với học trò và chạy theo doanh thu bằng mọi cách.
Vì việc dạy học không phải là kinh doanh và người đứng lớp không phải là người buôn bán.
Vậy nên mình viết lại đây để răn mình. Và quan trọng nhất để bạn cân nhắc thật kỹ trước khi đăng ký một khoá học nào đó nhé.
Mong bạn luôn tìm thấy sáng tạo, mỗi ngày.
1. Dạy… tư duy
Mỗi người đều có tư duy và thế giới quan độc lập.
Vậy nên chuyện dạy cho ai đó “tư duy” là điều gần như không thể và dễ đi vào chiều hướng áp đặt, khiến cho người học trở thành một phiên bản lặp lại của người đứng lớp.
Việc cần ưu tiên của một người hướng dẫn là thể nghiệm CÙNG người học, thông quan đó họ dần nắm bắt “tiếng nói” của mình.
2. Dạy… thẩm mỹ
Như thế này thì mới đẹp, như thế này thì mới sang, như thế này thì mới chuẩn…
Thực sự mình rất sợ người học bị những rập khuôn kiểu này bó buộc. Thẩm mỹ là một điều không bền vững, vì sẽ thay đổi theo thời gian và tuỳ thuộc vào lựa chọn của người thực hành,
theo bối cảnh. Vậy nên việc dạy “thẩm mỹ” chẳng bao giờ là đủ và xem chừng vô nghĩa. Điều cần ưu tiên hơn là làm sao người học tạo ra được ý tưởng, kể được câu chuyện của họ trước. Sau đó, việc lựa chọn định hướng mỹ thuật hay thẩm mỹ sẽ từ đó mà theo.
Thế giới đã có quá nhiều hình ảnh đèm đẹp nhưng vô nghĩa rồi. Vậy nên, đã đến lúc tạo ra những “bật mí”, “chỉ dấu” để cả người chụp và cả người xem khám phá thế giới khi ngắm nhìn hình ảnh.
3. Kiểu Hàn, kiểu Úc, kiểu Nhật
Quả thực mình thấy vô cùng… nhảm nhí.
Một đất nước, một khối cư dân có sự đa dạng không chỉ về văn hoá mà còn là thời tiết, điều kiện địa lý và cả nếp nghĩ.
Vậy nên gắn tên một quốc gia cho một kiểu thể hiện đặc trưng là một điều thiển cận và lười biếng.
Điều cần dạy là làm sao để người học xây dựng được thế giới hình ảnh/ câu chuyện. Mà ở đó, mỗi chi tiết thêm - bớt đều có ý nghĩa chứ không phải đặt bừa hoặc đặt giống giống đôi ba tấm hình trên mạng.
4. Thời gian học ngắn, cấp tốc tiện cho nhịp sống bận rộn
Việc học là cả đời và cần thong thả để suy ngẫm, (thậm chí) khủng hoảng, tập tành, trao đổi, chia sẻ…
Việc học trong một thời gian ngắn có lẽ là hiệu quả, nhưng sẽ nằm ở việc sao chép và… cho vui, thay vì có thêm hành trang để thực hành về sau.
Nhồi nhét hay hơn thua thể hiện để làm gì nhỉ? Sao không dành thời gian khám phá bên trong mình, để kể câu chuyện của chính mình?
Comment